Ngày 17/10, Haruka cung cấp thành công phiên dịch tại Diễn đàn cao cấp OECD-Đông Nam Á
Ngày 17/10, Diễn đàn Cao cấp OECD-Đông Nam Á chính thức khai mạc tại Hà Nội. Việt Nam chủ trì Diễn đàn, với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Diễn đàn Cao cấp OECD-Đông Nam Á diễn ra từ ngày 17-18/10, với chủ đề “Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”.
Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ OECD-Đông Nam Á, đóng góp vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực. Sự kiện do Việt Nam chủ trì cũng gửi đi thông điệp về chủ trương của Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Tim Ayres, cùng khoảng 200 đại biểu và quan chức cấp cao từ 38 nước thành viên OECD, các nước Đông Nam Á, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.
Theo kế hoạch, sự kiện gồm hai phiên thảo luận chính.
Phiên 1 có chủ đề Tăng cường quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á nhằm củng cố chuỗi cung ứng tự cường. Tại phiên này, các đại biểu tập trung đánh giá tác động của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, tầm quan trọng của việc củng cố tính tự cường của chuỗi cung ứng ở cấp Chính phủ và doanh nghiệp, các biện pháp hợp tác nhằm cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Phiên 2 có chủ đề Tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hướng đến tương lai tự cường. Tại phiên này, các đại biểu tập trung thảo luận các thách thức và cơ hội của các xu hướng trung và dài hạn như chuyển đổi số, phát triển xanh, thực hiện hiệp định thuế tối thiểu toàn cầu đối với các nước OECD và Đông Nam Á…
Trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á của OECD năm 2022, cũng sẽ diễn ra Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam-OECD (ngày 18/10). Đây là sự kiện dành riêng cho Việt Nam nhằm trao đổi và quảng bá môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước OECD. Tại Diễn đàn dự kiến sẽ công bố các báo cáo của OECD và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam; và phiên thảo luận cấp cao vềthu hút FDI chất lượng cao cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Cũng tại sự kiện, sẽ diễn ra triển lãm “Tinh hoa Việt Nam – Elite Vietnam” để giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh, những di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận; đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Bên lề Diễn đàn, Báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức Press corner với chủ đề “Định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”, với sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu biểu…
Press corner có hai phiên chính, gồm “Thúc đẩy chuyển đổi số, hợp tác đa phương nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững” và “Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu”.
OECD thành lập năm 1960, hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế và phát triển.
OECD có nhiều ảnh hưởng đến các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển kinh tế ở tầm toàn cầu. Ngoài các chương trình hoạt động với các nước thành viên, OECD có một số cơ chế với sự tham gia của các nước không phải thành viên như Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm phát triển OECD…
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD năm 2008. Trung tâm Phát triển OECD là nền tảng chia sẻ tri thức và đối thoại chính sách giữa các nước thành viên OECD và các nước đang phát triển chưa phải thành viên.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của một trong những cơ chế trực thuộc OECD.
Một trong những dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và OECD là việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác Việt Nam-OECD giai đoạn 2021-2025.
MoU này đã thiết lập một khuôn khổ hợp tác hoàn chỉnh, mở ra một giai đoạn mới cho hợp tác Việt Nam-OECD với nhiều nội dung hợp tác cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực quan tâm chung của hai bên như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đến nay, trong khuôn khổ MoU, OECD đang phối hợp với Việt Nam xây dựng Báo cáo Kinh tế Việt Nam và Báo cáo Rà soát chính sách quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Từ năm 2007, OECD thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược. Được công bố theo sáng kiến của Nhật Bản từ năm 2014, SEARP trở thành một trong sáu chương trình khu vực của OECD.
Chương trình hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm thông qua 13 lĩnh vực hợp tác.
Từ khi thành lập, Chương trình đã trải qua hai nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch (Nhật Bản và Indonesia cho nhiệm kỳ 2014-2018, Hàn Quốc và Thái Lan cho nhiệm kỳ 2018-2022). Việt Nam và Australia đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.
Việt Nam là thành viên tích cực của Chương trình SEARP kể từ khi Chương trình thành lập năm 2014. Hàng năm ta đều cử đoàn tham dự và đóng góp tại các Diễn đàn khu vực của OECD trong khuôn khổ Chương trình SEARP.
Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã phối hợp với OECD tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo và qua đó tranh thủ được sự tham gia của các chuyên gia OECD thảo luận, tư vấn về các vấn đề cấp bách và ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta như nâng cao năng suất lao động, phát triển bao trùm, Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế…
Việc Việt Nam lần đầu được tín nhiệm là Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP nhiệm kỳ 2022-2025 cùng Australia có ý nghĩa quan trọng.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vị trí chủ trì một cơ chế tiêu chuẩn cao của một tổ chức Việt Nam không phải là thành viên, khẳng định sự ghi nhận vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, cũng như tin tưởng của các nước OECD và khu vực đối với năng lực của Việt Nam trong gắn kết hiệu quả OECD và khu vực.
Giai đoạn 2022-2025 cũng là giai đoạn Việt Nam phục hồi và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để tận dụng tri thức và thực tiễn tốt từ các nước phát triển, tiệm cận với chuẩn mực quản trị toàn cầu của OECD, góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2020-2025, tạo tiền đề hướng tới các mục tiêu chiến lược năm 2030 và 2045.
Đây cũng là bước triển khai quan trọng chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.